Tìm kiếm thông tin

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Sống cần có một tấm lòng

Tình cờ đọc bài viết của một bác sỹ mà có lẽ la một trong số những lương y có tâm,có đạo đức thật sự.Sống ở xã hội quen với việc cơm áo gạo tiền,chạy chọt :chạy trường,chạy dự án,kê đơn thuốc.....thì ít ra tôi cũng còn thấy có niềm tin nơi con người.Hy vọng sẽ có nhiều bác sỹ như vậy và không chỉ có bác sỹ mà là tất cả mọi người hãy noi gương người tốt,sống tốt như bài hát của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn "Sống,trong đời sống,cần có một tấm lòng.Để làm gì em biết không?.Để cho gió cuốn đi"

''Hơn hai mươi năm cầm dao mổ, tôi không dùng một đồng tiền “cảm ơn” của bệnh nhân. Nếu họ đưa tiền chắc chắn tôi không lấy, cũng tránh mặt không cho gặp riêng.
Người ta gọi ông nội tôi là “cụ lang từ” bởi ông vừa bốc thuốc nam vừa làm “ông từ” trông coi đình làng. Ngày nào ông cũng quét dọn, thắp nhang, đốt đèn, thay nước các ban thờ. Đình đền làng tôi rộng lắm, thờ Phật, thờ Thánh, thờ Thành Hoàng rất uy nghi. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông ngồi bên cái chõng tre giữa sân đình phơi đầy thảo dược dân dã. Người làng ai ốm đau gì cũng chạy đến ông kể lể bệnh tình. Có khi ông bảo “phải đi lên tỉnh”, có khi ông bốc mấy ấm để họ đem về. Ông nói “sống là gieo nhân, làm một việc tốt là gieo một cái nhân lành, thuốc này ông hái được thì cho người ta làm phúc…”.
Nối tiếp truyền thống gia đình, hiện nay tôi làm bác sỹ ở một bệnh viện TW lớn có mệnh danh “lò mổ” với công việc hàng ngày là mổ, mổ và mổ. Ngày nào cũng vậy, hơn hai mươi năm nay, không thể nhớ bao nhiêu bệnh nhân đã qua “tay dao” của tôi. Nhiều khi chỉ tranh thủ ra ăn vội hộp cơm đã nguội rồi lại vào mổ tiếp, có những hôm trực mấy ngày đêm. Vợ tôi kết luận “anh đúng là cái nghiệp bác sỹ chứ không phải là cái nghề…”.
Những năm đi làm thạc sỹ, tiến sỹ, sau tiến sỹ ở Pháp, Mỹ, Đức... họ mở rộng cửa cho tôi định cư và làm việc tại bệnh viện lớn với mức thu nhập dành cho chuyên gia nhưng tôi nhất quyết về nước. Cũng là kiếp người, sống ở đâu chẳng một cuộc đời mấy chục năm. Cũng là bác sỹ, làm việc ở đâu chẳng mổ xẻ. Tôi muốn sống và làm việc trên quê hương đất nước mình, chữa bệnh cho dân mình, chẳng lẽ chỉ vì tiền mà phải sống xa xứ nơi mình không thích?
Hơn hai mươi năm mặc áo blouse, toàn bộ thu nhập của tôi từ bảng lương bệnh viện, gồm lương và các phụ cấp theo quy định chung. Không có phòng khám tư, cũng không tham gia “cổ phần” phòng khám nào, ngoài công việc bệnh viện tôi đào tạo kinh nghiệm chuyên môn cho thế hệ bác sỹ trẻ và sinh viên các trường ĐH Y. Thời gian rảnh ít ỏi dành cả cho gia đình, chúng tôi sống trong một căn hộ tập thể đi thang bộ kiểu cũ đã sửa sang chút ít, chưa đủ tiền chuyển đổi sang chung cư hiện đại. Hai vợ chồng đi lại bằng xe máy, con học trường công.
Hơn hai mươi năm cầm dao mổ, tôi không dùng một đồng tiền “cảm ơn” của bệnh nhân. Nếu họ đưa tiền chắc chắn tôi không lấy, cũng tránh mặt không cho gặp riêng. Đôi khi một đồng nghiệp tự dưng đưa tiền mà không thể từ chối, cũng chẳng biết của nhà nào. Số tiền đó tôi đem sang phòng hậu phẫu cho những cụ già, trẻ em, bệnh nhân nghèo hoặc gửi bà xã làm từ thiện, công đức. Người ta vào viện đã khổ sở lắm rồi, có khi phải đi vay đi mượn rồi lại cóp nhặt từng đồng trả nợ. Trong lúc khốn khó lại phải bớt xén ăn tiêu của mẹ già, con thơ để bỏ vào phong bì “cảm ơn” bác sỹ. Những đồng tiền khổ sở, cơ cực như vậy mà cũng có bác sỹ ngang nhiên bỏ túi. Cứu người đâu phải ban ơn mà là trách nhiệm tận tâm của người đã mang trong mình cái Nghiệp Bác Sỹ. Chẳng lẽ cứu người ta xong là có quyền cầm những đồng tiền “cảm ơn” như thế sao? Tiền ấy mà có thể mua sắm ăn ngon, mặc đẹp, xe đẹp cho bác sỹ và những người thân hay sao?
Dân mình chủ yếu công chức, nông dân, có mấy ai sung túc. Cho dù nhà bệnh nhân là đại gia giàu có tôi cũng không cầm tiền của họ, chắc chắn tiền ấy sẽ làm tôi mất đi những thứ quý giá hơn ở tương lai. Tôi tin số phận, nếu số giàu thì hai bàn tay mình sẽ làm nên một cách trong sạch, nếu số nghèo thì dẫu có bao nhiêu cũng “của thiên trả địa” hết mà thôi. Tài sản tôi muốn tích lũy không phải là tiền của mà là những hạt giống phúc đức – những việc tốt hàng ngày - đồng tiền không trong sạch sẽ làm hao tổn tài sản quý báu đó. Tuy cuộc sống bình dân nhưng tôi luôn thấy vui vẻ, tự tin, hạnh phúc, ai giàu kệ họ.
Tôi không mặc cảm ngại ngùng khi bạn bè mua biệt thự, xe hơi, có người còn sắp mua cả máy bay. Nhưng tôi rưng rưng thấy mình thua kém trước bác nông dân nghèo dùng tiền (được đền bù đất) xây trường học cho trẻ em, trước anh lái đò xây cầu cho dân làng đi lại. Họ ít học hơn tôi, cuộc sống khổ hơn tôi, họ nghèo hơn tôi vậy mà tấm lòng họ cao đẹp và nhân ái thế ! Ai làm việc thiện cũng đáng quý, nhưng nghèo như họ mà dám lấy toàn bộ tài sản ra làm việc thiện thì mới là những người vô cùng giàu có mà tôi ngưỡng mộ.
Ông nội tôi ngày xưa nói “lương tháng là tiền lúc ở trên trần, lương thiện là tiền khi về cõi âm. Phúc đức là của cải vững bền từ đời này sang đời khác, nếu mình chỉ hưởng mà không tích vào thì đời sau cạn kiệt…”. Cuộc đời còn bao nhiêu thân phận éo le, bao nhiêu người cũng làm việc vất vả mà thu nhập thấp. Mình được làm bác sỹ cứu chữa bệnh, có cái duyên gieo hạt nhân lành, tích thêm phúc đức cho con cháu – kiếp này như vậy là may mắn lắm rồi ! Còn nếu đúng là tôi mang “nghiệp bác sỹ” thì cũng cần phải “trả nghiệp” cho nhẹ gánh.
Gia đình tôi không giàu nhưng vẫn đủ sống bình thường, điều quan trọng là chúng tôi bình an, hạnh phúc, các con ngoan và học giỏi. Mỗi lần về quê, bước vào đình làng tôi thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng, lúc nào tôi cũng tự tin chắp tay nhìn vào gương mặt đức Phật hiền từ. Tôi không cần đến những cái phong bì ai oán, không cần đến những khoản “hoa hồng” của các hãng thuốc bởi tiền nào cũng móc từ túi người bệnh mà ra đó thôi.
Gần đây người ta nói nhiều về thu nhập từ “kê đơn” của bác sỹ, theo tôi thấy thì không phải bác sỹ nào cũng làm như vậy. Các nhà cung cấp thuốc nói “anh không kê đơn thì những người khác vẫn làm, giá thuốc cũng vẫn thế rồi !”. Quan điểm của tôi là nếu cùng thành phần, công dụng tôi sẽ kê loại giá rẻ hơn cho bệnh nhân. Việc kê đơn theo gốc thuốc cũng không ổn vì khi bệnh nhân cầm đơn ra hiệu thuốc vẫn bị tư vấn mua những loại đem lại lãi suất cao cho họ. Mong sao thuốc cũng cạnh tranh nhau về giá cả giống hàng tiêu dùng để dân đỡ khổ và một bộ phận bác sỹ không có cơ hội làm việc bất lương.
Trên đây là những trải lòng của tôi sau khi đọc tâm sự của hai bác sỹ trẻ đăng trong chuyên mục này. Có thể bây giờ các em thấy nghề bác sỹ quá vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao nhưng đó là nghề chúng ta đã chọn. Nếu các em thi vào trường Y với suy nghĩ “làm bác sỹ sẽ giàu” thì tôi khuyên nên bỏ sớm. Còn nếu các em thực sự yêu nghề, muốn làm bác sỹ để cứu người thì hãy chấp nhận một cuộc sống giản dị về vật chất, đừng bao giờ cầm những đồng tiền kèm theo nghiệp chướng kẻo tổn hại về sau. Bác sỹ giỏi, trình độ chuyên sâu, là tay mổ chính cũng có thu nhập cao từ bệnh viện.
Tôi cũng mong sớm có những quy chế tốt hơn cho bác sỹ trẻ mới ra trường nói riêng và ngành Y nói chung. Tuy nhiên điều ước lớn nhất của tôi là chính sách phúc lợi của nhà nước cho người già, trẻ em, người nghèo… Giá như người bệnh chỉ chết vì Y học bó tay chứ không phải chết vì thiếu tiền chữa bệnh hay thiếu tiền mua thuốc.''
Từ Thanh

4 nhận xét:

nhathaucodienlanh nói... [ Trả lời ]

Đọc những dòng tâm sự của bác sĩ, tôi thực sự xúc động và kính trọng con người bác sĩ. Trong xã hội hiện nay tôi ko dám chắc tìm được bao nhiêu người bác sĩ có tinh thần trách nhiệm và thanh khiết như bác sĩ. Con người như bác sĩ được cả xã hội nể trọng, là hình tượng cao cả của người đi cứu chữa cho đời. Chúc bác sĩ và gia đình luôn hạnh phúc và bình an...luôn luôn giữ cái tâm của lương y từ mẫu.

( Vũ Khánh Việt )

nhathaucodienlanh nói... [ Trả lời ]

Tôi vẫn tin trong mỗi chúng ta mầm thiện nảy nở

Tôi luôn kính trọng những con người sống và làm việc bằng sức lao động của mình và không làm nô lệ cho đồng tiền. Đất nước chúng ta còn lạc hậu, dân ta còn nghèo, nhưng không nên đổ lỗi cho cái nghèo làm suy thoái đạo đức trong mỗi chúng ra. Chính chúng ta đang tự làm tha hoá tâm hồn và nhân cách của chính mình.

Tôi vẫn tin trong mỗi chúng ta mầm thiện vẫn nảy nở và sinh sôi, chỉ có điều mỗi chúng ra có cho nó phát triển hay không mà thôi.

( Trần Thị Lệ Hằng )

nhathaucodienlanh nói... [ Trả lời ]

Xin đừng để mất ý nghĩa cao quí trong hai từ : Bác Sĩ

Thật đáng ngưỡng mộ người Bác sĩ tận tình, tôi là người rất ghét phải bỏ tiền vào phong bì rồi lén lút để đưa cho một ai đó...Nhưng tôi đã phải làm như thế, bởi nếu không như thế thì không được.cách đây khoảng 2 năm ba tôi bị thoát vị đĩa đệm, được người khác giới thiệu bác si K chữa rất giỏi, ba tôi đã đến đó khám và được tư vấn mổ. Hình như ở đây bị nhẹ hay nặng bác sĩ đều tư vấn mổ hết, ba tôi bị nặng thì mổ để không bị liệt, cô tôi mới bị đau nhẹ thì được tư vấn mổ để khỏi nặng.

Khi vào bệnh viện, trước khi mổ ai cũng hỏi tôi biếu bác sĩ bao nhiêu?dặn dò phải đưa tận tay trước khi mổ... Ba tôi thì lo lắng, thôi cứ bỏ phong bì để yên tâm được mổ tốt....vì ba tôi đã cố gắng bỏ đi cái tôi của mình, tôi hẹn riêng bác sĩ để trao cái phong bì ấy, tôi vẫn nhớ như in cái khuôn mặt ấy, cái khuôn mặt lạnh lùng, nhận tiền như dĩ nhiên, như điều bình thường...tôi chỉ biết lí nhí run rẩy mà nói bác sĩ làm ơn mổ thật tốt......sao mà tôi ghét lắm, tôi còn nhỏ-1 cô sinh viên chưa ra đời làm sao biết những thứ ấy, tôi cảm thấy như tôi vừa làm điều gì đó xấu xa lắm, nó cũng giống như hối lộ mà....đúng như phép mầu ấy, ba tôi được hỏi han quan tâm hơn 1 chút....

Mổ xong rồi về, hết thuốc lại đau, ba tôi uống khoảng 2 tháng thuốc, hết thuốc là đau, đau còn hơn khi chưa mổ...gọi diện cho bác sĩ K thì lúc nào cũng tập thể dục nhiều vào, mua cái vòng về lắc, tập lắc càng nhiều càng tốt, bác sĩ ấy có biết đâu, ba tôi cố gắng lắm, đau chảy cả nước mắt, đau đến nỗi không đi nổi mà vẫn cứ bắt lắc vòng....cuối cùng lên khám lại, bác sĩ chỉ nói 1 câu :" mổ lại".

Cứ y như là điều bình thường, việc mổ lại đối với bác sĩ sao mà dễ dàng thế, bác sĩ biện minh bằng lí do này bằng lí do kia, làm sao người thường như chúng tôi hiểu được.Ừ mổ thì mổ, lại về vét hết tiền đi mổ lần nữa, lại một lần nữa tôi phải đưa phong bì, mà phải chất lượng hơn vì ba lo lắng chắc tại vì lần trước ít quá,lần này là đến tận nhà, cái nhà của bác sĩ to lắm, cao lắm.Cũng dễ hiểu thôi mà một ngày tôi thấy trên bảng trực ở bệnh viện, bác sĩ mổ biết bao nhiêu là ca , thì bấy nhiêu đó thôi là đã bằng cả lương của 1 tháng rồi.....

Sau đợt mổ ấy ba tôi vẫn chưa khỏe hẳn, vẫn cứ gọi hỏi bác sĩ xem thế nào, rồi chỉ nhận được cũng những câu trả lời ấy. Ừh thì tập thể dục, ba tôi siêng lắm, 1 ngày cứ nghỉ lúc nào là lại tập như lời bác sĩ. Bác sĩ chắc bận quá nên chẳng bao giờ thấy 1 cuộc điện thoại nào hỏi thăm, ít ra xem bệnh nhân của mình đã đỡ chưa chứ....vì nhà ở xa nên không tiện việc đi lại....... trong khi ba tôi mổ đến 2 lần và thường xuyên gọi điện để báo vời bác sĩ rằng vẫn thấy chưa ổn.

Tôi có nhiệm vụ tới nhà bác sĩ và cầm điện thoại của tôi để ba nói chuyện với bác sĩ. Mất khoảng 5 phút thôi, vậy mà về vẫn phải móc tiền ra trả cho bác sĩ tiền khám đấy nha. Thật sao bất công quá đi, bệnh nhân của mình như thế,đáng lẽ ra phải có trách nhiệm, đằng này dửng dưng như là bình thường....Mà có lẽ là bình thường vì ở chỗ tôi rất nhiều người mổ bác sĩ ấy, cũng như vậy, tình hình không được tốt lắm...

Giờ thì nếu có ai hỏi ba tôi mổ ở đâu đó? thì ba tôi sẽ nói thôi kiếm bác sĩ khác đi chứ bác sĩ này không được rồi.........

Từ giây phút ấy hai từ bác sĩ trong tôi không còn thiêng liêng như trước nữa, cái nghề cao quý mà trước đây tôi đã từng ao ước được học.tôi ao ước mình được mặc chiếc áo blue trắng ngần không tì vết ấy..

Dẫu biết rằng vẫn còn những bác sĩ tận tâm, yêu nghề, yêu bệnh nhân hết lòng, nhưng nếu vào bệnh viện thì thấy con số ấy còn ít ỏi, hiếm hoi lắm...Mà cũng có thể vì tôi chưa có duyên đễ gặp nhưng bác sĩ ấy....

Đừng vì vật chất mà đánh mất bản thân, để lương tâm phải cắn rứt, đừng để trước mặt mình người khác tỏ ra kính trọng nhưng sau lưng lại nhìn mình với ánh mắt khinh bỉ, hãy sông đúng với lời thề khi vào nghề Bác sĩ, nếu ai cũng như thế thì còn gì bằng......nếu ai cũng như thế thì bác sĩ khác nào như thần tiên trên trời.....

( Thu Vũ )

nhathaucodienlanh nói... [ Trả lời ]

Mot Tam Long Nhan Ai !!!!

Toi rat cam kich anh Tu Thanh, qua la anh co mot tam long nhan ai, neu ai cung nghi nhu the thi dat nuoc minh se khong con su chenh lech ve giau ngheo nhu bay gio, toi cung co y tuong nhu anh, neu toi giup duoc nguoi do ma lam cho ho duoc vui ve, thi toi cung thay rat hanh phuc, khong phai vi van de tien bac ma co the giai quyet duoc tat ca, lam sao ma long minh cam thay thanh than la qui lam roi. cam on anh da cho doi su song.

( thao nguyen)

Đăng nhận xét

Giới thiệu
Hoạt động kinh doanh
Dự án đang thi công
Văn phòng chính
» Giới thiệu công ty
» Cung cấp và thi công hệ thống điều hòa trung tâm và thương mại
» Cao ốc Yến Phượng 58 Phạm Ngọc Thạch ,Q.3
74 Nguyễn Văn Săng, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú , Tp HCM
» Thế mạnh
» Tư vấn thiết kế Đhkk và Thông gió
» Văn phòng làm việc ACB Cao Thắng
Tel : 08 3812 3189 (*807)
» Giá trị cốt lõi
» Cung cấp và thi công hệ thống thông gió
» Cao ốc văn phòng 159 Nguyễn Du
Fax : 08 3842 6668
» Video giới thiệu
» Sản xuất máng điện , trunking
» Khách sạn Monglight Nguyễn Trãi
Hotline : 097 652 5242 ( Mr.Phú )